Vay 40 triệu thế chấp bằng sức lao động?
Lượt xem:
Lượt bình luận:
Con đường màu xanh |
Tối hôm sau, bạn tôi đèo tôi bằng chiếc xe đạp qua trung tâm. Những cành hoa sữa cuối cùng còn sót lại trên đường Phương Mai tỏa mùi thơm thoang thoảng. Con đường từ ký túc xá đến đó đi xe đạp mất khoảng 45 phút. Tôi chợt nghĩ sau này nó sẽ trở thành lộ trình thân quen của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp chị. Chị ngồi sẵn chờ tôi trong một phòng học. Trước mặt tôi là một cô gái với khuôn mặt khả ái, mái tóc chấm ngang vai và nụ cười dễ mến. Chị ấy là giám đốc ở đây và là người theo như kế hoạch tôi phải "chiến đấu" trong buổi tối nay. Tôi cố bấm tay và bắt đầu bài thuyết giảng của mình. Nếu có hình ảnh nào để so sánh về tôi lúc ấy có lẽ tôi sẽ chọn một con khủng long. Tôi nhấn giọng, nói như đổ mọi tội lỗi lên người đối diện với tôi. Tôi có thể chọn một cách khác tốt hơn nhưng tôi muốn chị ấy thấy sự quyết liệt trong con người tôi. Quyết liệt và hung hăng. Lạnh lùng và cứng rắn. Đối với tôi để thể hiện vai trò một kẻ dạy đời như lúc đó cũng không phải chuyện dễ dàng gì. Hơn nữa người tôi đang nói chuyện cùng lớn hơn tôi đến 6 tuổi. Với chị ấy, cuộc nói chuyện đang diễn ra có lẽ thật khủng khiếp, thật quá sức chịu đựng. Tôi để ý thấy có những lúc chị ấy không biết nói gì khi tôi hỏi. Tôi như đang dồn một người vào góc tường. Nhưng... đó là cách tốt để tôi khiến cho vai trò của mình lớn lên. Sau cùng tôi bảo: "Một năm nữa em hứa với chị sẽ thay đổi được tình hình của trung tâm. Em cam kết như vậy.". Nhưng với một điều kiện là chị phải cho em làm quản lý, ở đây sẽ không có ai có quyền lớn hơn em ngoài chị. Có như thế em mới có thể làm được những việc để trung tâm có thể tốt lên. Chị gật đầu. Cái gật đầu đánh dấu một con đường mới, con đường màu xanh như tôi đã nghĩ đến. Và con đường màu xanh ấy bắt đầu bằng một lời hứa. Trên đường quay trở về, đi qua những con phố đã vắng người hơn. Những ngọn đèn đường dịu dàng chiếu soi qua tán lá để lại trên vai người qua đường những vết sáng lung linh. Tôi hít làn gió mùa thu êm êm và suy nghĩ về quyết định của tôi. Cái quyết định dường như thật chóng vánh. Trước khi đến trung tâm nói chuyện, tôi đã xin nghỉ việc ở nơi tôi đang làm thêm. Sơn có phải là một chàng trai dại dột sao anh ta cứ mãi chạy theo những cuộc hành trình tất bật, từ chối sự bình yên và cuộc sống ổn định vậy nhỉ? Tôi tự lập lâu rồi. Gia đình tôi khó khăn nên tôi không muốn mình làm cho bố mẹ thêm phần vất vả. Ngày tháng ấy tôi đang làm thêm cho một công ty tin học, lương tháng 3 triệu cũng đủ cho ăn uống, sinh hoạt, chi tiêu, thỉnh thoảng tôi cũng gửi về nhà một ít. Từ buổi tối hôm trước khi nghe câu chuyện của bạn, tôi chẳng còn thiết tha gì với nó nữa. Tôi muốn đi con đường ấy, cái con đường tôi sẽ phải đánh đổi rất nhiều, trong đó có cả khoản thu nhập ổn định hàng tháng. Tôi quyết định nghỉ việc và tôi vạch cho mình một kế hoạch kiếm sống mới. Biết rằng sẽ vất vả hơn nhiều so với trước nhưng tôi vẫn tin rằng tuổi trẻ này của mình còn làm được hơn thế nữa. Tôi sẽ cố gắng cho tôi, cho tuổi trẻ này. Bắt đầu những chuỗi ngày thử thách để vực dậy một hình hài đang xuống cấp quả thật là điều không dễ gì. Và đặc biệt là với tôi, với những người bạn làm cùng tôi. Có những ngày liên tôi thức trắng chỉ để nghĩ. Có những khi quên ăn và thói quen sinh hoạt của tôi chuyển thành ăn trưa lúc 2h chiều, ăn tối lúc 10h đêm. Mọi thứ đang khó khăn nên nỗ lực cũng phải gấp nhiều lần bình thường. Tôi hiểu điều đó. Những ngày như vậy, giờ phút tôi thảnh thơi nhất có lẽ là khi đứng chờ nước chảy đầy xô để xách từ sân lên phòng tầng 4 tắm vì phòng hết nước. Tranh thủ chờ đợi tôi đi dạo quanh sân ký túc. Những ngày như vậy thật ra tôi thấy vui. Đơn giản bởi vì như thế là tôi được sống hết mình. Tôi làm được nhiều việc để thấy mình có ích và quan trọng hơn cả, tôi đang sống vì một mục tiêu. Nó như là một ánh sao luôn treo lơ lửng trước mặt tôi. Tôi nhìn về nó và thấy mình phải làm nhiều hơn nữa. Tôi cũng gặp những người bạn, hiểu họ thêm. Tất cả chúng tôi cùng gắn bó để sống cho tuổi trẻ. Tuy khó khăn nhưng ai cũng trần đầy lạc quan và son sắt một niềm tin. Quá trình tôi vực dậy trung tâm là cả một quá trình tôi học hỏi rất nhiều thứ. Và tôi biết rằng những gì tôi được học trước đó cần một cái phễu để lọc trước khi tạo được thành quả. Cái phễu đó mang tên "thực tế". Ai lần đầu tiên đi làm chắc chắn sẽ hiểu so với lý thuyết ở trường đại học, thực tế là một bầu trời khác. Đó là một ngôi trường khác với những môn thi mới mà chúng ta phải học và chắc chắn phải qua nếu không muốn ngã quỵ. Chúng tôi đã từng chứng kiến những chủ nợ kéo đến đập phá, xé sách vở, dùng hết lời lẽ cay nghiệt để hăm dọa. Có những khi cả lũ phải ra đường khi chủ nhà thay ổ khóa mới vì đến tháng chưa nộp đủ tiền nhà. Lễ tân của chúng tôi lúc ấy còn phải học thêm một kỹ năng mới, đó là làm sao để trả lời người đến đòi nợ cho êm đẹp. Những lúc như vậy thường thì chị giám đốc sẽ trốn đi đâu đó. Chúng tôi cùng nhau ở lại đó van nài người ta cho mình thêm ít ngày để xoay sở. Có khi mỗi đứa phải góp nhau tiền trăm nghìn để trả nợ. Nhưng chúng tôi vẫn chưa từng nghĩ mình sẽ dừng lại. Bởi vì niềm tin ấy quá lớn để có thể xoay đổi. Tôi lúc đó vẫn đi học buổi sáng, buổi chiều đến tối đến trung tâm làm việc. Khoản thu nhập hàng tháng tôi kiếm được từ việc thiết kế web thuê cho khách. Nhưng đến những ngày cuối học kỳ 1, tôi dường như không tìm cho mình một lối thoát. Trường tôi quy định, muốn đăng ký học kỳ tiếp theo sinh viên phải hoàn thành trước học phí kỳ vừa rồi. Tôi kiếm ra đâu 3 triệu bây giờ nhỉ? Nghĩ mãi chẳng ra một ý tưởng nào khả thi. Cuối cùng tôi nghĩ đến việc bỏ học. Tôi thích học. Năm ba được tiếp xúc với những môn chuyên ngành, tôi như say mê phát điên lên với những địa hạt mới. Tôi đọc rất nhiều, tìm hiểu rất nhiều không phải vì đó là điều bắt buộc mà là vì tôi thấy yêu thích những thứ ấy. Chúng mang đến cho tôi cái nhìn mới. Thành thử ra khi nghĩ đến việc phải bỏ học tôi đau lòng lắm. Lúc đó tôi nghĩ mình không còn cách nào khác nữa. Bạn bè tôi chắc cũng không có nhiều tiền đến vậy. Gia đình tôi, khi tôi nghĩ đến số tiền tôi không sao gạt khỏi đầu óc mình cảnh mẹ tôi chạy vạy vay mượn, cảnh cha tôi lúc đó với đôi chân đang đau cũng không yên lòng. Tôi không nói cho ai biết cả vì tôi nghĩ đã đến tuổi tôi phải tự lo cho mình. Tôi không muốn vì tôi mà cha mẹ ở nhà lại lo lắng, lại vất vả. Với lại 2 em tôi cũng đang đi học, chắc hẳn cha mẹ tôi chưa lúc nào yên lòng. Tôi đã hạ quyết tâm. Nhiều đêm cứ thế khóc một mình vì thấy tiếc quá nhưng chẳng biết làm sao cả. Tôi sẽ đi con đường tôi đang đi và hẹn đại học một ngày xa xăm tôi sẽ quay lại. Nhưng rồi bạn tôi biết chuyện. Chính hắn là người thuyết phục tôi để tôi nhận số tiền hắn cho tôi mượn. Cuối cùng tôi nhận. Tôi cũng tự hứa với mình sẽ cố gắng thật nhiều nữa để không phụ lòng tốt của hắn ngày hôm đó. ... Công việc tại trung tâm bận rộn và đầy áp lực nhưng ở đó, mọi người sống đúng bản chất của mình. Tôi những tưởng sẽ không bao giờ hòa vào cái sự "bựa vô đối" của chị giám đốc và những bạn khác nhưng rồi chính tôi cũng thấy mình không phải là ai khác ngoài họ. Tôi thấy chúng tôi giống như một gia đình, tràn đầy niềm vui, tràn đầy năng lượng làm việc. Có đôi khi tôi quát bạn tôi vì sự chậm trễ, một lúc sau chúng tôi lại cười như đá đỗ cùng nhau trong những câu chuyện phiếm. Chúng tôi chia nhau những giờ phút ướt át dưới cơn mưa, hay cái mát lạnh của gió hồ Tây, sự tĩnh mịch của phố xá về sáng. Có những tình yêu đã nảy nở và có những kỷ niệm sẽ mãi mãi được khắc ghi. Nhưng sự cố gắng nhiều khi chưa đủ, làm kinh doanh cần con mắt tỉnh táo và đầu óc chiến lược. Chính trong những ngày tháng ấy tôi biết rõ hơn giới hạn của mình. Kinh doanh chắc chắn không phải là một trò chơi may rủi hay là những sự nỗ lực không định hướng. Tôi đã áp dụng rất nhiều cách nhưng kết quả thu được không phải lúc nào cũng khiến cho tôi có thể nở một nụ cười. Nhiều người đã rời bỏ con đường màu xanh ấy và đôi khi tôi thấy mình dường như đuối sức. Và những lúc như thế, điều cho tôi sức mạnh trở lại là những lời động viên từ những người xung quanh. Đến tháng tư năm 2013, chúng tôi mới thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự khởi sắc. Đó vừa là kết quả của việc chúng tôi phát triển một khóa học mới khác biệt hơn nhưng cũng là do thị trường vào hè sôi động hơn dạo trước. Những dấu hiệu ấy dần dần lớn lên và chúng tôi vui mừng thấy hiệu quả kinh doanh tăng dần lên. Đến một hôm khi tôi nhìn vào báo cáo tài chính tôi như muốn nhảy cẩng lên. Lần đầu tiên kể từ khi tôi đến đây lợi nhuận dương. Dù không nhiều nhưng nó chứng tỏ rằng những gì chúng ta bỏ ra đã thu lại. Tay tôi run run. Dương đó, dương tức là chúng tôi đã không tin nhầm, chúng tôi đã không để những ngày qua vô ích. Tôi vui mừng hết đỗi và liên tục khoe với mọi người ở trung tâm. Hè năm đó, dấu dương trong báo cáo lợi nhuận lớn dần, lớn dần. Chúng tôi cho phép mình thở phảo. Chị giám đốc lúc đó có lẽ là người vui nhất bởi vì đối với chị. Đó không chỉ là sự tăng trưởng của kinh doanh mà đó còn là khi đứa con của chị - trung tâm này có nhiều học viên hơn. Lúc ấy chị thực sự được làm giáo dục, được mang giá trị theo cách của chị. Người vui mừng thứ hai là tôi bởi một điều rất đơn giản: TÔI ĐÃ HOÀN THÀNH LỜI HỨA.
Hoàn thành lời hứa |
Tôi thường tự nhủ rằng tuổi trẻ không có gì để mất, hãy sống hết mình đi, cho dù thất bại đi chăng nữa thì chúng ta vẫn nhận được nhiều thứ hơn những gì chúng ta bỏ ra. Vậy suy cho cùng trong mọi tình huống chúng ta sẽ lãi. Có những khi tôi nghĩ mình sẽ không làm được, nhưng tôi trấn an mình rằng sau khi thời hạn của lời hứa qua đi mà vẫn không hoàn thành được lời hứa, mày vẫn còn có thể xin gia hạn thêm, chỉ cần đừng từ bỏ hi vọng, đừng bỏ cuộc một cách dễ dàng là được. Suy nghĩ đó giúp tôi bản lĩnh hơn. ... Suốt những tháng hè, trung tâm luôn nhộn nhịp học viên. Lợi nhuận có khi đến hơn 100 triệu 1 tháng. Nhưng đến cuối mùa hè, chuyện không lường trước xảy ra liên quan đến hoạt động tài chính của trung tâm. Tôi như thỏa thuận ban đầu sẽ có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của trung tâm nhưng có một mảng tôi không thể điều khiển được là tài chính. Lợi nhuận của mỗi tháng chúng tôi đều gửi lại cho giám đốc. Quản trị tài chính không phải là một việc dễ, trong kinh doanh tài chính như là mạch máu của doanh nghiệp. Tôi lúc đó cũng không hiểu nhiều về nó vì bản thân tôi là một người cực kỳ ghét làm việc với những con số. Và vấn đề nãy sinh từ đó. Đến những tháng cuối mùa hè, bước sang năm học mới (tháng 9, tháng 10) khi nhu cầu học tiếng Anh đã giảm mạnh và các trung tâm tiếng Anh đã bắt đầu lo đến chuyện dùng tiền để cầm chừng. Khi tôi đề cập đến vấn đề này mới tá hỏa khi nghe giám đốc bảo hiện tại đã không còn tiền. Lúc đó tôi như bị choáng vì với lợi nhuận những tháng hè trung tâm chắc chắn đã có một khoản tiền dự trữ đủ lớn. Đó là lần đầu tiên tôi thấy niềm tin của mình thực sự bị chấn động. Nhưng đó chẳng phải là điều thấm thía gì so với sự bất bình của tôi về cách hành xử của một người lãnh đạo. Thời điểm ấy, chị giám đốc gặp vấn đề với người yêu, hai người chia tay. Suy sụp là điều dễ hiểu đối với bất kỳ người phụ nữ nào khi một mối tình tan vỡ. Nhưng để cuộc sống của mình bị nhấn chìm thì thật khó chấp nhận. Giám đốc lúc ấy chẳng còn tha thiết với hoạt động của trung tâm nữa. Chị ấy còn phụ trách một lớp học và liên tục cho lớp nghỉ làm chúng tôi rất khó xử. Chúng tôi dường như đứng giữa hai đầu cầu: một là học viên đang cảm thấy khó chịu vì giáo viên hay cho nghỉ, những giáo viên khác thiếu nhiệt tình vì bị chậm lương, một là giám đốc, người mà chúng tôi cần sự nghiêm túc và sự quan tâm đến hoạt động kinh doanh. Tôi có thể quyết định nhiều việc thay chị ấy nhưng có những việc bắt buộc cần chị ấy chung sức. Tư thế ấy thật lưng chừng. Những ngày ấy chị giám đốc thường tắt điện thoại, khóa facebook và tìm đến sự an ủi của tôn giáo. Có lẽ chị ấy thấy mình không còn sức lực để đối diện với mọi thứ nhưng chị ấy cũng không rõ ràng chuyển giao cho ai. Lần thứ hai trung tâm lại âm u như bầu trời trước cơn mưa. Tôi buồn không phải bởi những khó khăn chúng tôi sắp đối diện mà là sự mâu thuẫn giữa những người bạn với giám đốc. Những khó khăn đã từng trải qua mang cho chúng tôi sức mạnh và cam đảm lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực nhưng thứ quan trọng nhất dường như không còn. Đó chính là động lực để mọi người cùng động cam cộng khổ. Mọi người nói với tôi rằng sau tất cả những nỗ lực vì một người lại đỗ xuống sông xuống bể thì thật sự khó chấp nhận và thật khó để tìm lý do cho sự tiếp tục. Chúng tôi mất đi sự lạc quan, sự tin tưởng và một niềm tin. Nếu một ngày chúng tôi phải đóng cửa trung tâm thì sao nhỉ? Đó có thể là ngày tôi sẽ uống cho đến khi mê man, uống cho đến khi tôi biết mình đang lơ lửng và nở một nụ cười lạt thếch. Tôi sẽ nhìn lại những ngày qua và tưởng tượng trên tay tôi đang nâng lấy cái xác của con ve đã chết khô. Tôi sẽ mất đi một nửa con người mình nếu chuyện đó xảy ra. Rồi nỗi sợ hãi của tôi lớn dần khi nhiều bạn cùng vào sinh ra tử với tôi trước đó nhắn tin cho tôi muốn từ bỏ. Tôi muốn các bạn ở lại lắm nhưng tôi cũng không muốn níu giữ các bạn nữa. Tôi nghĩ rằng các bạn có những ngôi nhà khác sẽ yêu quý và đánh giá cao các bạn hơn. Hãy đi đi nếu muốn vì tôi không muốn bạn gắn bó thêm vào một thứ sắp sụp đổ nữa. Rồi nhiều người cứ thế ra đi. Cho đến khi chỉ còn tôi và 2 người bạn nữa. Một hôm tôi nhận được tin nhắn của một trong số hai người bạn ấy "Sơn ơi, mình không muốn tiếp tục nữa". Tôi lúc đó đứ đừ người ra và chẳng thể nhắn trả lời lại điều gì. Tôi có thể nói gì đây, không gì cả. Cho dù nói kiểu gì thì như là bị mắc kẹt trong một cái lưới, tôi im lặng. Lần đầu tiên tôi gọi điện về cho mẹ sau 12h đêm. Mẹ tôi đã ngủ và khi bắt máy, mẹ hỏi tôi bằng một giọng hốt hoảng: "Có chuyện chi rứa con?". Tôi im lặng. Tôi thực sự chỉ muốn khóc thôi chứ chẳng còn biết nói gì nữa. Có quá nhiều thứ ập đến như một dòng thác trong đầu tôi lúc đó. Tôi nấc lên và chỉ nói được câu "Con chưa làm được chi cả mẹ ạ" rồi tắt máy. Đêm đó, tầng thượng, dưới bầu trời mênh mông tôi thấy mình thật quá bé nhỏ. Đoàn tàu trong ga rú lên những hồi kèn thúc giục chuyển bánh. Âm thanh đó khiến tôi nhớ da diết những ngày trước khi tôi cháy hết mình. Tôi đã từng có một con tàu tuổi trẻ như vậy nhưng có lẽ nó đã đến lúc phải dừng. Nhưng không thể như vậy được. Tôi ngẩng mặt lên để tìm kiếm lại ánh sao màu xanh của tôi, rồi gục mặt xuống khóc rưng rức lên. Tôi lấy tay đấm liên tục xuống sàn xi măng. Không thể! Tôi nhất quyết không để nỗ lực của tuổi trẻ kết thúc như vậy. Tôi bấm tay, hít đầy lồng ngực. Tôi đã có một quyết định. Tôi lôi điện thoại ra nhắn tin cho 2 người bạn cuối cùng còn ở lại với trung tâm: "Ngày mai, cà phê nhé". Đêm đó tôi không thể ngủ được, tôi nghĩ đến dự định mới của tôi cho tương lai. Con đường màu xanh đêm hôm đấy sáng lung linh trước mắt tôi. Tôi lại có một niềm tin mới thật mãnh liệt. ... Và buổi hẹn diễn ra trong một quán cà phê trên đường Trần Đại Nghĩa. Chúng tôi vẫn mỉm cười sau tất cả. Ánh sáng mờ ảo đổ lên cốc cà phê sóng sánh. Sau tất cả họ là những điều tôi còn giữ được. Tôi nhìn họ mỉm cười như thể những người thủy thủ đã cùng nhau trải qua một cuộc hành trình sóng gió trên đại dương trở về. Có lẽ chúng ta cẫn chưa nghỉ ngơi đúng không? - Chúng ta mua lại trung tâm đi? Tôi hỏi như vậy trong ánh mắt ngạc nhiên của 2 người bạn. - Mua lại nó, chúng ta sẽ chăm sóc nó bằng bàn tay của chúng ta, sẽ một lần nữa làm cho nó sống lại, làm cho nó xanh tươi hơn trước. Các bạn cũng chẳng muốn nỗ lực của chúng ta bị kết liễu đúng không? Cuộc nói chuyện kéo dài với những điều chúng tôi nói về tương lai, nói về những hứa hẹn và nói về tuổi trẻ. Cuối cùng, cái nắm tay minh chứng cho một lần nữa, chúng tôi nuôi hi vọng và quyết tâm cho tuổi trẻ. Cái sự ngông nghênh của tuổi trẻ có lẽ sẽ khó dừng lại, kể cả khi gặp thất bại vì sau mỗi lần phải tìm cách đứng lên, mức độ ngông ấy không giảm, còn tăng hơn. Nhưng ngông một cách khác, vững chãi hơn. Hôm sau, chúng tôi hẹn nói chuyện với chị giám đốc. Mục tiêu của cuộc nói chuyện là để thuyết phục chị ấy bán lại trung tâm cho chúng tôi. Tôi cùng 2 người bạn ngồi lại trong căn phòng lần đầu tiên tôi đến trung tâm 1 năm trước. Tôi nhìn chị, có lẽ lúc đó ngoài sự không vừa lòng với những gì chị ấy làm trong thời gian vừa qua chúng tôi còn một thứ khác gắn kết với chị ấy: sự quý mến. Nếu mọi người hiểu được những thử thách chúng tôi đã trải qua thì sẽ hiểu rằng người ta đôi khi rất khó để ghét nhau cho dù giữa họ dường như đã xảy ra rất nhiều thứ tồi tệ. Chúng tôi không ghét chị ấy. Và có lẽ điều mà chúng tôi dự định làm sẽ giúp chị ấy nhiều hơn. Chúng tôi thuyết phục chị ấy bán lại trung tâm cho 3 đứa. Đó là cách duy nhất có thể giúp chị ấy trong thời điểm này khi mà chị ấy tiến thoái lưỡng nan. Nếu muốn tiếp tục duy trì cũng khó vì đội ngũ nhân sự gần như tan tác và cũng không còn tiền để chạy các kế hoạch. Nếu dừng lại cũng không thể vì các khoản nợ cần phải trả. Chúng tôi phân tích như vậy. Sau cùng, chị gật đầu. Chúng tôi lặng nhìn nhau. Cái gật đầu ấy vừa làm chúng tôi vui nhưng cũng khiến chúng tôi có cảm giác có tội. Chúng tôi thấy mình như là những người cướp đi đứa con của người khác cho dù không phải như vậy. Chúng tôi muốn làm hồi sinh lại đứa trẻ ấy. Một buổi nói chuyện quả thật đầy cảm xúc. Chúng tôi đối diện với con người ấy và biết bao nhiêu kỷ niệm gắn bó ùa về. Thật khó để quên những điều chúng tôi đã cùng nhau trải qua và chị ấy mãi là người chúng tôi ngưỡng mộ, yêu quý.... Một cuộc hành trình mới bắt đầu. Nhưng từ đầu khi quyết định mua lại trung tâm, chúng tôi không có một đồng vốn nào trong tay. Điều duy nhất mà chúng tôi có là một sự quyết tâm. Tôi bảo với hai bạn của tôi, chúng ta không có tiền thì chúng ta sẽ tìm cách để vay mượn. Chỉ cần thực sự quyết tâm thì sợ gì sẽ không tìm thấy lối đi. 2 bạn tôi cũng cùng suy nghĩ như vậy. Và trong điều khoản chuyển nhượng, chúng tôi sẽ mua lại trung tâm với hai khoản phí. Khoản thứ nhất dùng để thành toán các món nợ liên quan đến hoạt động của trung tâm thời điểm đó. Khoản thứ hai là giá trị của trung tâm sẽ trả cho giám đốc sau hai năm. Chúng tôi tính toán sơ qua, khoản đầu tiên cũng gần 150 triệu. Một ngày sau khi hợp đồng chuyển giao được ký, điện thoại tôi liên tục réo rắt và đó là những cuộc điện thoại đến từ các chủ nợ. Họ hẹn chúng tôi một tuần để thanh toán. Một tuần và 150 triệu. Một con số thật sự rất kinh khủng đối với những đứa sinh viên. Với tôi, quyết định mua lại trung tâm tôi vẫn chưa nói với cha mẹ lúc đó. Tôi không muốn họ bất an. Và chắc chắn nhà tôi cũng không có tiền để lo cho tôi nữa. Hai bạn tôi cũng vậy, gia đình không khá giả lại đều mồ côi bố. Chúng tôi chỉ còn cách tự mình đi vay những người có thể vay được. Đó là một tuần khó thở và mệt nhọc. Tôi có lúc quên ăn vì những cuộc hẹn gặp để trình bày nguyện vọng của mình với những người tôi quen. Nhiều lúc đói và mệt nhưng vẫn cố rút điện thoại ra nhắn tin cho 2 người bạn: "Cố lên nha :D". Đó cũng là lời động viên dành cho chính tôi. Sau khi hỏi vay những người bạn, tôi thấy thật khó để có thể vay đủ số tiền lớn như vậy. Sinh viên mà, ai cũng nghèo cả. Tôi nghĩ đến việc vay mượn những người có tiền. Họ là những người tôi quen, đang điều hành doanh nghiệp và có một số là những giảng viên trong khoa tôi. Khi tôi đến gặp người đầu tiên trong số đó, tôi kể lại câu chuyện của mình. Có lẽ nhìn vào tôi lúc ấy, với đầu tóc bơ phờ, da mặt nổi mục và toàn thân hình tỏ vẻ mệt mỏi ra thì điều duy nhất khiến người ta tin tưởng vào quyết tâm của tôi là ánh mắt. Nó như nói lên rằng tôi sẽ không lùi bước, tôi sẽ làm tất cả vì trung tâm, vì con đường tôi lựa chọn. Nhưng bạn biết đấy, có ai có thể tin tưởng được một người sinh viên không phải là họ hàng thân thích. Cho dù họ tin tưởng vào tôi thì họ cũng chưa chắc đã tin vào khả năng trả nợ của tôi khi tôi thể hiện nguyện vọng muốn vay đến con số hàng chục triệu đồng. Như vậy có nghĩa là tôi cần thế chấp. Nhưng tôi có gì trong tay nhỉ? Khi nghĩ đến đây, tôi thấy mình đang là một cậu sinh viên tỉnh lẻ, cưỡi một con xe dream 10 tuổi tôi dành dụm mãi mới mua được. Ngoài ra, tôi chẳng có gì đáng giá cả. Nhưng... tôi không nghĩ mình trắng tay. Tôi đã trải qua một thời sinh viên nỗ lực không ngừng. Tôi chưa bao giờ thôi học hỏi. Người ta bảo sinh viên không chỉ cần kiến thức mà còn cần kỹ năng, kinh nghiệm thực tế nữa. Tôi biết điều đó nên cũng chưa bao giờ ngừng nhắc mình về việc bổ sung và phát triển bản thân. Đó chính là những nỗ lực để tạo nên tài sản của tôi. - Anh cần thế chấp đúng không ạ? Anh có cho em vay không khi em dùng khả năng lao động của mình để thế chấp? Tôi nói với các anh chị tôi gặp như vậy. Cho dù tôi mất tất cả, những gì tôi đã trang bị cho mình sẽ có ích và tôi có thể dùng những thứ đó để đóng góp cho doanh nghiệp. Cho nên tôi lấy khả năng lao động của mình để thế chấp. Nếu trong trường hợp xấu nhất là tôi không trả được nợ, tôi sẽ trở thành nhân viên của những người cho tôi vay trong một khoảng thời gian được thỏa thuận từ trước ứng với số tiền tôi được cho vay. Đó là cách tôi thế chấp. Có những người từ chối những trong số đó có những người gật đầu với tôi. Và có cả khi tôi đăng status lên Facebook vay tiền nữa. Lúc đó tôi biết thật sự rất khó khăn vì ai lại tin tưởng cho một người chỉ biết trên mạng vay tiền. Nhưng khi tôi làm, tôi mới biết tôi còn có 1 thứ khác nữa là sự tin tưởng. Có khá nhiều người chưa gặp tôi một lần ngoài đời đã inbox ngỏ ý muốn giúp đỡ tôi. Lúc đó tôi chỉ biết cảm ơn. Khi tôi gặp mặt họ để nhận tiền, tôi hỏi họ rằng: "Vì sao lại cho mình mượn tiền khi chưa gặp mình bao giờ?". Câu trả lời của họ khiến cho mình như được tiếp thêm động lực: "Bởi vì những điều bạn đã làm cho mình một sự tin tưởng". Sự tin tưởng, ấy vậy mà người ta bảo có được niềm tin còn hơn 10 lạng vàng. Họ cho tôi biết rằng vì những sự tin tưởng đó, tôi phải cố gắng hơn nữa cho cuộc hành trình này, tôi phải cố gắng hơn nữa cho tuổi trẻ của tôi. Cũng từ đó tôi tự hứa với mình rằng cuộc đời tôi sẽ dành cho mọi người. Tôi sẽ không bao giờ ngừng nghỉ những hành động mang lại giá trị cho xã hội. Bởi vì mọi người đã tin tưởng tôi. Vấn đề tài chính như vậy là tạm ổn dù chúng tôi chỉ còn dư lại một ít tiền để đầu tư. Trong gian nan, chúng tôi gắn bó với nhau hơn và với 3 đứa lúc đó, khó khăn nào cũng không làm chúng tôi xao lòng. Nhưng thời điểm chuyển giao lại trung tâm là vào tháng 12/2013. Vào thời điểm đó, thật sự rất hiếm người đi học tiếng Anh. Giai đoạn cuối kỳ, thi cử bận rộn, thời tiết không thuận lợi lại sắp đến Tết. Vậy nên chúng tôi đóng băng bất lực một thời gian dài. Trong những tháng đấy chúng tôi kiến thiết lại bộ máy, xây dựng lại chương trình học cho hoàn thiện và tìm cách vay mượn để duy trì trung tâm cũng như đầu tư cho những kế hoạch ra Tết. Những ngày như thế tôi thậm chí chỉ ngủ 2 tiếng một ngày. Thời gian còn lại tôi tính toán, xây dựng kế hoạch, nghiên cứu về kinh doanh. Đó cũng là lúc tôi nhận được những lời động viên từ những "chủ nợ" của tôi. Họ biết khó khăn của tôi và hiểu cho tôi. Chắc chắn một điều chúng tôi sẽ không dừng bước khi vừa mới bắt đầu cho dù lúc đó quả thực áp lực chúng tôi gánh trên vai rất lớn. Nếu trước đây là 150 triệu thì chúng tôi phải tiếp tục kiếm thêm 100 triệu cho việc duy trì và để thực hiện những kế hoạch quảng bá mới. Nhưng khi áp lực lớn hơn, sức mạnh nội tâm cũng lớn hơn. Chúng tôi dày dạn hơn, trưởng thành hơn.... Có lẽ nếu trước mọi việc chúng ta nghĩ rằng mình không có gì cả và chúng ta không bắt đầu thì có lẽ sẽ không bao giờ có con đường nào dẫn đến thành công. Sau đợt Tết chúng tôi thực sự bắt đầu lại và đến tháng 4 vừa rồi, trung tâm lập được kỷ lục về số lớp mới mở: 9 lớp với hơn 100 học viên. Đối với một trung tâm quy mô nhỏ và tuổi đời non trẻ, làm được điều đó quả là một điều không hề dễ. Tháng 5, chúng tôi mở được 8 lớp. Nhưng kết quả kinh doanh khả quan không làm chúng tôi vui bằng việc được chứng kiến thành quả từ sự tiến bộ của học viên. Chúng tôi đang làm giáo dục. Khi làm giáo dục người ta vui vì sự trưởng thành của người khác. Chúng tôi cũng như vậy. Nhiều khi cả ba đứa chỉ ngồi ở văn phòng để lắng nghe âm thanh cười nói vui nhộn từ các phòng học và sung sướng. Trong 3 đứa lúc đó một niềm hạnh phúc lan tỏa. Một màu xanh mạnh mẽ lan tỏa.... Chúng tôi vui vì trung tâm của chúng tôi, E. không chỉ là một nơi để học, đó còn là 1 mái nhà của những niềm vui, của niềm đam mê và trải nghiệm tuổi trẻ. Sắp tới sẽ còn nhiều thứ phải làm nhưng chúng tôi sẽ luôn tin tưởng và sẽ không ngừng nghỉ một phút giây nào. Câu chuyện này có vẻ còn sẽ dài mãi. Bởi vì tuổi trẻ của chúng tôi vẫn chưa dừng lại. Niềm tin của tôi vẫn chưa lung lay. Và ánh sao màu xanh ấy vẫn sáng trước mặt tôi, ghi dấu ấn cho con đường tôi đã đi qua và tôi sẽ bước tới. Nếu có điều gì để hối tiếc trong cuộc đời này thì đó nhất định không phải là những vấp ngã trong tuổi trẻ, điều hối tiếc nhất ấy là khi ta trẻ mà ta không sống hết mình. Tuổi trẻ hãy là một phần cuộc đời mà ta được ngông, ta được cháy và ta chấp nhận những trắc trở bởi ta biết phía trước còn một con đường. Ta chưa dừng lại.
- Theo Thằng Sơn Đoàn -
Like Muzikers trên Facebook để được cười nhiều hơn nhé ^^
Bình luận Báo cáo vi phạm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Video clip hot
-
Tomorrowland 2013 - Avicii
-
[Cảm động] Hai cô gái hô hấp nhân tạo cứu người chết đuối
-
[Gunny World Championship 2015] Trực tiếp giải đấu từ Thâm Quyến, Trung Quốc
-
[Saturday night live Korea] Tình địch
-
Chế bóng đá hài hước
-
Trả lời khảo sát online kiếm tiền Vinaresearch
-
Thanh niên bị tụt quần trước lớp
-
[Maxim Korea] Diễn viên JAV Tsukasa Aoi
-
Thảm họa gương mặt thân quen - Anh (Xuân Phương) by Cao Hữu Thiên
-
[Giọng hát Việt nhí] Giấc mơ của tôi & Gợi nhớ quê hương - Linh Nhi & Thiên Nhâm
Liên kết bạn bè
Học SEO google online
---
Dien dan seo
---
dien dan game
---
dien dan game mobile
---
dien dan MMO
---
dien dan anime manga
---
Kỹ năng game | Chiko channel - Youtube | Muzikers | Homhinhvl | Thư viện tài liệu
---
Dien dan seo
---
dien dan game
---
dien dan game mobile
---
dien dan MMO
---
dien dan anime manga
---
Kỹ năng game | Chiko channel - Youtube | Muzikers | Homhinhvl | Thư viện tài liệu
No comments:
Post a Comment